Truyện Kiều

Đoạn Trường Tân Thanh
"...Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần..."

Đoạn trường tân thanh, thường được biết đến đơn giản là Truyện Kiều, là một truyện thơ của thi sĩ Nguyễn Du (1766-1820). Đây được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, gồm 3254 câu.

* CÁC NHÂN VẬT CHÍNH:

Vương Ông: cha của Vương Thuý Kiều, Vương Thuý Vân và Vương Quan. Trong "Kim Vân Kiều truyện" hồi một nói ông tên là Vương Lưỡng Tùng, biểu tự là Tử Trinh nhưng trong hôn thư do Vương Thuý Kiều viết ở hồi năm thì lại ghi ông tên là "Vương Chương". Nhà ông ở Bắc Kinh.

Vương Bà: vợ của Vương ông. Hồi một của "Kim Vân Kiều truyện" nói bà họ Kinh nhưng trong hôn thư do Vương Thuý Kiều viết ở hồi năm lại ghi bà họ Hà.

Thúy Kiều: họ tên đầy đủ là Vương Thúy Kiều. Trưởng nữ của Vương ông, Vương bà, chị cả của Vương Thúy Vân và Vương Quan. Khi Thúy Kiều làm nữ tì trong Hoạn phủ được Hoạn phu nhân đặt cho tên là Hoa Nô. Khi Kiều vào ở trong Quan Âm các có đạo hiệu là Trạc Tuyền. Theo "Kim Vân Kiều truyện" thì cái tên Trạc Tuyền là do Thúc sinh đặt cho Thuý Kiều theo yêu cầu của Hoạn Thư.

Thúy Vân: Họ tên đầy đủ là Vương Thúy Vân. Thứ nữ của Vương ông, Vương bà, em gái của Vương Thúy Kiều, chị hai của Vương Quan.

Vương Quan: con trai út của Vương ông, Vương bà, em của Vương Thuý Vân và Vương Thuý Kiều.

Đạm Tiên: Theo "Kim Vân Kiều truyện", Đạm Tiên có họ tên đây đủ là Lưu Đạm Tiên. Một kỹ nữ xinh đẹp "sắc nước hương trời" nhưng bạc mệnh thời xưa. Là chủ nhân của ngôi mộ mà Thúy Kiều đã viếng và làm thơ, hiện lên trong giấc mơ của Kiều và báo trước cho nàng biết về cuộc sống trắc trở, khổ đau sau này.

Kim Trọng: Theo "Kim Vân Kiều truyện", Kim Trọng có biểu tự là Thiên Lý. Là người đã đính ước với Thúy Kiều.

Thằng bán tơ: Người đã vu oan cho cha của Kiều

Mã giám sinh: Theo "Kim Vân Kiều truyện", Mã giám sinh có họ tên đầy đủ là Mã Quy,người mua Kiều cho Tú Bà.

Tú bà: Theo "Kim Vân Kiều truyện", Tú bà có họ tên đây đủ là Mã Tú. Chủ lầu xanh nơi Kiều bị bán vào lần 1.

Sở Khanh: người đàn ông có tính xấu, dâm dục, lừa tình những cô gái chân yếu tay mềm.

Thúc sinh: Còn được gọi là "chàng Thúc", "Thúc sinh viên", "Thúc lang". Trong "Truyện Kiều" có câu "Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương". Theo "Kim Vân Kiều truyện" Thúc sinh có họ tên đầy đủ là "Thúc Thủ", biểu tự là Kỳ Tâm. Đã đem tiền chuộc Kiều khỏi lầu xanh (lần 1) và cưới nàng làm vợ lẽ.

Hoạn thư: vợ của Thúc sinh. Trong "Kim Vân Kiều truyện" Hoạn thư được gọi là "Hoạn tiểu thư" hoặc "Hoạn thị". "Kim Vân Kiều truyện" và "Truyện Kiều" đều không nói nhân vật tên là gì.

Hoạn phu nhân: mẹ của Hoạn thư.

Thúc ông: cha của Thúc sinh.

Khuyển: Theo "Kim Vân Kiều truyện", Khuyển có họ tên đầy đủ là Hoạn Khuyển.

Ưng: Theo "Kim Vân Kiều truyện", Ưng có tên đầy đủ là Hoạn Ưng.

Giác Duyên: ni cô Quan Âm các.

Bạc bà: Chủ lầu xanh nơi Kiều bị bán vào lần 2.
Bạc Hạnh.

Từ Hải: Một chỉ huy cướp biển, đối kháng với nhà Minh (trong nguyên tác). Trong tác phẩm của Nguyễn Du ông đã xây dựng nhân vật Từ Hải là một người anh hùng có bản lĩnh. Đã đem tiền chuộc Kiều khỏi lầu xanh (lần 2) và cưới nàng làm vợ, sau đó giúp Thúy Kiều báo thù những người đã hãm hại nàng cũng như đền ơn những người giúp đỡ Kiều,hai người sống với nhau hạnh phúc "Trai anh hùng gái thuyền quyên - Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng".

Hồ Tôn Hiến: Tổng đốc nhà Minh, đem quân triều đình đi tiếu phạt và giết được Từ Hải, bắt sống Thúy Kiều.

Nguyễn Du

Người Đọc Truyện

Bút lực: 2.9

Trang 1/1